Trong phân tích định lượng, việc sử dụng bao nhiêu câu hỏi để biểu diễn cho một nhân tố không có câu trả lời chính xác. Theo Phạm Lộc với những bảng câu hỏi khảo sát sử dụng thang đo Likert 5, 7, 9, v.v. mức độ thì số biến quan sát mỗi thang đo nên dao động từ 3 – 7 quan sát sẽ thuận tiện cho việc khảo sát và xử lý. Tuy nhiên một số nghiên cứu mới hay khó thể hiện tính chất của biến tiềm ẩn thì vẫn có trường hợp chỉ dùng 1 biến quan sát. (Phạm Lộc, 2021a, tr. 117)
Một thang đo tốt là một thang đo tập hợp được các câu hỏi phản ánh đầy đủ mọi khía cạnh của khái niệm, vấn đề cần đo lường và các câu hỏi không bị trùng lặp nhau về nội dung. Tuy nhiên, không phải lúc nào tất cả các biến quan sát a1, a2, a3, a4, a5, v.v. để đo lường cho nhân tố A đều hợp lý, đều phản ánh được khái niệm, tính chất của A. Do vậy, cần phải có một công cụ giúp kiểm tra xem biến quan sát nào phù hợp và không phù hợp để đưa vào thang đo.
Theo Phạm Lộc (2021a, tr. 116), tính nhất quán nội bộ nghĩa là các biến quan sát trong một thang đo phải có sự tương quan chặt chẽ nhau, cùng giải thích cho một khái niệm. Một thang đo tốt thì các biến quan sát phải có sự tương quan chặt chẽ, tính nhất quán nội bộ cao. Để đo lường tính nhất quán nội bộ này người ta thường dùng hệ số Cronbach’s Alpha. Hệ số Cronbach’s Alpha có giá trị biến thiên trong đoạn [0,1]. Mức 0 nghĩa là các biến quan sát trong nhóm gần như không có tương quan và mức 1 nghĩa là các biến quan sát tương quan hoàn hảo với nhau.
Kiểm định độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha được đánh giá theo tiêu chuẩn:
Loại các biến quan sát có hệ số tương quan biến tổng (corrected item – total correlation) nhỏ hơn 0,3.
Theo Nunnally (1978) và Hair và cộng sự (2009) đều cho rằng một thang đo đảm bảo tính đơn hướng và đạt độ tin cậy nên đạt ngưỡng Cronbach’s Alpha từ 0,7 trở lên, đối với nghiên cứu khám phá sơ bộ, ngưỡng Cronbach’s Alpha 0,6 là có thể chấp nhận được (Phạm Lộc, 2021a, tr. 119; Nguyễn Đình Thọ, 2014, tr. 365).
Về lý thuyết, hệ số này càng cao càng tốt (thang đo càng có độ tin cậy cao).
Tuy nhiên điều này không hoàn toàn chính xác. Theo Nguyễn Đình Thọ (2014, tr. 264) hệ số Cronbach’s Alpha quá lớn (khoảng từ 0.95 trở lên) cho thấy có nhiều biến trong thang đo không có khác biệt gì nhau, hiện tượng này gọi là trùng lắp trong thang đo.
>> Xem thêm: Lựa chọn cỡ mẫu trong phân tích SPSS